Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội vẫn chưa thôi bàn tán xôn xao về sự việc gây tranh cãi, xoay quanh những bộ trang phục dân tộc dự kiến dành cho Hoa hậu H’Hen Niê tại Miss Universe 2018.
Đều mang phong cách mới lạ, nhấn nhá với những chất liệu quen thuộc gợi nhớ đến hình ảnh Việt Nam nhưng điểm đáng chú ý không phải những thiết kế truyền thông lấy hình ảnh chim hạc, trống đồng chủ đạo… 6 thiết kế được nàng hoa hậu lựa chọn là: Bánh mì, Hoa đăng sắc Việt, Ngũ hổ, Nữ quyền, Phố cổ và Thăng thu.
Các mẫu thiết kế được lựa chọn để xem xét đều mang một điểm thu hút riêng. Trong hình ảnh Bánh mì vừa gần gũi, vừa mang màu tươi vui của một cô hàng rong giản bị, bình dân. Hoa đăng sắc Việt với tạo hình chiếc đèn lồng vừa cách điệu vừa ngộ nghĩnh. Ngũ hổ quyền lực và gợi cảm. Riêng với Trăng thu và Nữ quyền lại tôn lên được vóc dáng của nàng hoa hậu khi thiết kế được cách điệu xẻ sâu phần lưng và vai. Chỉ riêng Phố cổ là được thiết kế theo lối truyền thống với áo dài nhưng lại sáng tạo ở phần tà áo khiến thiết kế có phần quy mô hơn.
Các Trang phục dân tộc dự kiến của Hoa hậu H’Hen Niê
Chính vì thế, ngay từ khi công bố 6 thiết kế, cư dân mạng đã tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa. Trong đó hai luồng ý kiến được phân ra rõ rệt: Một bên ủng hộ sự phá cách, sáng tạo, còn bên khác lại cho rằng trang phục dân tộc phải là những thiết kế gắn liền với áo dài và văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Khi công bố top 6 Trang phục dân tộc dự kiến đã gây tranh cãi
Trên fanpage cá nhân của VJ Thùy Minh, cô đã chia sẻ một dòng trạng thái dài để nói những ý kiến của mình về 6 thiết kế của Hoa hậu H’hen Niê. Theo quan niệm của nàng VJ, cô ủng hộ sự phá cách và đặt dấu chấm hỏi là tại sao chúng ta lại luôn cổ súy cho trống đồng, chim hạc… trong khi những họa tiết này vốn đã cũ và chưa gây được hiệu ứng với các nước trên thế giới.
“Quay về trang phục dân tộc, mình không hiểu sao bao nhiêu năm chúng ta luôn mang trống đồng và chim hạc đi thi. Không ai phủ nhận tính biểu tượng tuyệt vời về truyền thống của những hình ảnh ấy, nhưng mà, năm nào cũng là áo dài, là mũ mão… thực sự là quá cũ rồi. Cần lắm những “Bánh Mì”, những “Nữ Quyền”, những “Ngũ Hổ”… chỉ để một lần, chúng ta hoà nhịp với tính cởi mở của thế giới. Chưa kể đây là thiết kế của các bạn trẻ, có khát khao, mong muốn đưa hương sắc Việt vươn xa. Do đó, các bạn này có sử dụng những chất liệu ít được đưa vào như tranh Hàng Trống, nghệ thuật Tuồng, phố cổ Hội An, lồng đèn…” – VJ Thùy Minh thẳng thắn nhìn nhận.
VJ Thùy Minh đưa ra quan điểm cá nhân
Với riêng Á hậu Lệ Hằng – người đã từng có kinh nghiệm chinh chiến tại đấu trường Miss Universe lại đưa ra quan điểm về sự khác nhau giữa ‘Trang phục dân tộc’ và ‘Quốc phục. Theo cá nhân của người đẹp, việc tham gia các cuộc thi sắc đẹp thế giới không bắt buộc chúng ta sử dụng Quốc phục. Bên cạnh đó, Lệ Hằng còn chia sẻ lại kỉ niệm tham gia Miss Universe của mình.
“Là một đại diện của Việt Nam tại Miss Universe, Hằng muốn chia sẻ rằng trang phục dân tộc dự thi không bắt buộc là Quốc phục mà là trang phục lấy ý tưởng từ những nét văn hoá vật chất hoặc tinh thần đặc trưng, đa dạng của các quốc gia. Khi Hằng chọn Nàng Mây cũng có nhiều ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, cảm giác của Hằng khi bước ra với bộ trang phục đó, lúc chống mạnh chiếc trượng uy quyền xuống sân khấu, hô vang 2 tiếng Việt Nam, Hằng cảm thấy vô cùng tự hào. Vậy mới biết tinh thần dân tộc không chỉ thể hiện qua tà Áo Dài hay là vành nón lá.”
Lệ Hằng không chỉ ủng hộ mà còn phân biệt rõ giữa Trang phục dân tộc và Quốc phục
Không chỉ chia sẻ về các thiết kế dự kiến mà Hoa hậu H’hen Niê mang đến Miss Universe mà Hoàng Ku còn bày tỏ quan điểm cá nhân khi đưa ra quyết định lựa chọn ‘Bánh mì’ là trang phục dân tộc mà anh yêu thích nhất.
“Nhưng với mình, với Miss Universe, cuộc thi tìm kiếm vẻ đẹp ng phụ nữ hiện đại, thì mình nghĩ lựa chọn một Bộ trang phục thể hiện được văn hoá hiện đại của đất nước cũng là ý tưởng hay mà. Mục đích cuối cùng của Bộ trang phục dự thi cũng là thể hiện được màu sắc của quốc gia, có là truyền thống xa xưa hay văn hoá hiện đại thì cũng vẫn toả hương sắc Việt, đúng tinh thần và chủ đề mà. Như có năm nào Hoa hậu Thái Lan mặc trang phục lấy ý tưởng từ chiếc xe tuktuk rất dễ thương…”
Hoàng Ku muốn chọn ‘Bánh Mì’ là Trang phuc dân tộc cho Hoa hậu H’hen Niê
Trong khi đó, nữ diễn viên Bảo Thanh lại cho rằng dù rất yêu thích Hoa hậu H’hen Niê nhưng cô vẫn mong muốn người đẹp mang vẻ đẹp truyền thống là trang phục áo dài đến Miss Universe. Trên trang cá nhân, Bảo Thanh viết: “Em đã theo dõi hành trình đăng quang đầy cảm xúc của bạn ấy, những hoạt động truyền cảm hứng cho nữ giới mà bạn thực hiện và đến tận bây giờ là những ngày chuẩn bị đi thi thế giới rồi. Vậy nên em tin tưởng Niê H’Hen sẽ giúp hương sắc Việt vươn xa, để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè các nước. Với em, em chỉ mong H’Hen Niê sẽ mặc lên người trang phục dân tộc được thiết kế và chắt lọc văn hóa tinh tế nhất thôi”.
Bảo Thanh cho rằng vẫn muốn H’Hen Niê chọn áo dài
Ngô Thanh Vân cũng đồng quan điểm với Bảo Thanh
Chưa xét sự phá cách của 6 thiết kế dự kiến được các nghệ sĩ và khán giả bình luận xôn xao thì bản thân hoa hậu H’Hen Niê là người đẹp đã gắn liền với những yếu tố phá cách – tóc tém, da nâu, mặc gợi cảm. Ngay từ những ngày đầu đăng quang, Tân Hoa hậu hoàn vũ đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng cô không phù hợp với tiêu chí vẻ đẹp của người con gái Việt.
Tuy nhiên, dù tranh cãi thế nào, phần đông khán giả vẫn ủng hộ và nhìn xa hơn khi nơi là H’hen Niê tranh tài không phải ở phạm vi cả nước mà là thế giới – với nhiều quốc gia tiến bộ và vẻ đẹp họ yêu chuộng không hề có một giới hạn nào.
Chính vì thế, việc một đại diện tham gia Miss Universe ‘phá cách’ thì việc lựa chọn Trang phục dân tộc cũng không nên đòi hỏi sự gò bó vào một khuôn khổ nhất định. Dĩ nhiên, chúng ta phải giữ lại những nét đặc trưng của văn hóa Việt, nhưng không ai có quyền ‘làm cạn sức sáng tạo’ của con người – khi mà sự sáng tạo ấy không hề phi phạm vào những thuần phong mỹ tục vốn có của người Việt.
Nhìn nhận một cách thực tế, các cuộc thi sắc đẹp quốc tế chưa bao giờ thôi hết làm khán giả bất ngờ và mong chờ. Trong đó phần thi Trang phục dân tộc còn gây sự chú ý và thu hút hơn hẳn bikini.
Năm 2017, Thaweeporn “Aoom” Phingchamrat – Á hậu 3 cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan, giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu Liên lục địa với bộ đồ sầu riêng khổng lồ. Hay năm 2015, đại diện Thái Lan là Aniporn Chalermburanawong cũng giành giải tương tự ở Hoa hậu Hoàn vũ với bộ váy xe tuk tuk độc đáo, có đèn pha phát sáng khi lên sân khấu.
Hình ảnh Hoa hậu Thái Lan mang xe tuk tuk đến đấu trường Miss Universe 2015
Liệu rằng áo dài Việt Nam qua bao nhiêu năm mang đến đấu trường quốc tế có phải là một trang phục nhám chán? Còn nhớ Trang phục dân tộc của Á hậu Trương Thị May khi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 được trang Missosology bầu chọn vào top 10. Hay thiết kế của Phạm Hương cũng từng nhận được những lời khen từ khán giả quốc tế. Nên không thể nói rằng áo dài là cũ kĩ, nhàm chán. Tuy nhiên, điều cần thiết là chúng ta nên mở rộng và sáng tạo hơn với các thiết kế về Trang phục dân tộc, chứ không hẳn là mặc định khi nhắc đến Trang phục dân tộc phải là áo dài hay mũ mấn…
6 trang phục của các NTK trẻ dù đã tạo nên 2 luồng ý kiến rõ rệt, tuy nhiên nhìn nhận một cách công tâm thì không ít người đã dành những khen ngợi tính sáng tạo và độc đáo của các NTK trẻ.
Qua đây, có thể thấy rằng, dù là khán giả hay nghệ sĩ, họ vẫn rất công tâm cho những nhận định của mình. Tuy rằng mỗi người một hướng suy nghĩa khác nhau, nhưng chung quy vẫn mang tính “xây dựng” để Hoa hậu H’Hen Nê có được “hành trang” thật tốt và tự tin nhất tại Miss Universe 2018. Và năm nay, chúng ta có quyền kì vọng H’Hen Nê sẽ làm nên một kì tích cho bản đồ nhan sắc Việt, hoặc chí ít là để lại ấn tượng với bạn bè quốc tế qua bộ Trang phục dân tộc mà người đẹp mang ra đấu trường quốc tế.